Nhảy việc có phải là lựa chọn khôn ngoan?

Liệu nhảy việc có phải là lựa chọn khôn ngoan? Chẳng thể đổ lỗi hoàn toàn cho chính sách của công ty hiện tại vì không níu chân được nhân viên của mình, mà nó còn do nhiều yếu tố khác tác động và chi phối đến quyết định ra đi hay ở lại của chính người đó.

Qua bài viết, CareerLink.vn mong muốn rằng bạn sẽ đưa ra quyết định sáng suốt để cân nhắc nhảy việc có phải là lựa chọn khôn ngoan?

Có hai lý do chính khiến nhân viên quyết định nhảy việc, một, yếu tố ngoại cảnh, môi trường làm việc tác động khiến bản thân nhân viên cảm thấy nhục chí và từ bỏ, bởi chế độ lương - thưởng, chính sách đãi ngộ không thỏa đáng, mối quan hệ với cấp trên - đồng nghiệp thiếu hài hòa, cơ hội thăng tiến bó hẹp, tính chất công việc lặp đi lặp lại một cách nhàm chán, không gây được niềm hứng khởi, tạo động lực thôi thúc xúc tiến công việc, khiến nhân viên dễ rơi vào tình trạng “bình chân như vại”; hai, chính là xuất phát từ chính bản thân nhân viên đó, mặc dù môi trường lành mạnh tạo mọi điều kiện phát triển bản thân, nhưng là con người theo chủ nghĩa xê dịch, đam mê khám phá, khao khát và mong muốn chinh phục thử thách, làm mới bản thân, không thích dừng chân một chỗ quá lâu, nên đưa đến phương án lựa chọn nhảy việc.

Nhảy việc có phải là lựa chọn khôn ngoan? - 1

Điều cốt lõi chi phối khả năng nhảy việc của bạn có thành công hay không là cần phải đảm bảo đúng lúc và đúng thời điểm. Những tưởng tất thảy cống hiến và nỗ lực của bạn trong suốt quãng thời gian vừa qua là minh chứng rõ nét cho năng lực và sự chăm chỉ hết mình vì công việc, nhưng chỉ cần sơ sẩy vào phút chót cũng khiến thành quả mà bạn dày công xây dựng đổ sông đổ bể. Nhảy việc đúng thời điểm sẽ khiến hình ảnh của bạn trong mắt sếp và nhân viên khác mới thật sự toàn vẹn và hoàn mĩ.

Đặc biệt, thời điểm nhảy việc của bạn nên xảy ra ở khoảng thời gian mọi thứ trong công việc diễn ra suôn sẻ, không có bất kì vướng mắc hay khó khăn nào còn tồn đọng, có như thế mọi người sẽ nhìn bạn là con người có trách nhiệm từ đầu đến cuối, làm tròn bổn phận và không có gì phải chê trách cả. Ngược lại, trong lúc dầu sôi lửa bỏng, bạn lại nghỉ việc đột ngột, không ai là cảm thấy thoải mái, thậm chí cho rằng bạn là người chối bỏ trách nhiệm, thậm chí để lại tiếng xấu ở công ty cũ. Trái đất tròn liệu bạn có chắc chắn rằng sẽ không gặp lại họ trong tương lai, bạn cần khéo léo và tinh tế khi lựa chọn thời điểm.

Nhảy việc đúng thời điểm giúp bạn có thể trình bày lý do xin nghỉ việc được trơn tru hơn và mang sức thuyết phục cao. Cấp trên cũng không có cơ sở nào để làm khó dễ bạn, họ cũng dễ dàng bàn giao công việc cho nhân viên mới với tình hình ổn định, nề nếp, chứ chẳng phải mớ hỗn độn, rối rắm không biết đâu mà lần mò. Đồng thời, bạn sẽ chuyển việc với tâm thế thanh thản, không phải canh cánh, nơm nớp lo sợ tình huống xấu xảy ra, và chuẩn bị sẵn sàng cho khởi đầu mới.

Thời gian làm việc tối thiểu tại công ty ít nhất nên là một năm trước khi bạn đưa ra quyết định nhảy việc, có như vậy, công ty mới sẽ đánh giá cao tinh thần kiên định, thái độ nhẫn nại và mức độ chịu đựng áp lực của bạn, so với thời gian làm việc quá ngắn khiến họ đặt dấu chấm hỏi, nghi hoặc liệu rằng bạn có đáng tin cậy, hay bạn có phải là “tín đồ” cuồng nhảy việc, bởi tâm lý nhà tuyển dụng rất e ngại những ứng viên sau quá trình dày công tuyển dụng thì nhanh chóng xin thôi việc.

Đúng thời điểm còn thể hiện ở chỗ sau một khoảng thời gian làm việc tại công ty cũ, bạn đã tích góp được một khoản tiền kha khá trang trải chi phí sinh hoạt cho bản thân trong giai đoạn tìm kiếm công việc khác để tránh rơi vào tình trạng túng thiếu. Hoặc ngược lại, bạn muốn tìm được công việc như ý rồi mới rời bỏ chỗ làm việc hiện tại thì tất cả mọi thông tin về tìm kiếm việc làm mới đều phải trong trạng thái bảo mật tuyệt đối, khâu chuẩn bị phải diễn ra trong âm thầm và lặng lẽ trước khi có buổi trao đổi trực tiếp với cấp trên, không sử dụng bất kì phương tiện nào tại công ty phục vụ cho nhu cầu tìm việc của cá nhân, nên sắp xếp bố trí lịch phỏng vấn vào những ngày nghỉ phép, hay tập trung nhiều cuộc phỏng vấn vào một ngày cụ thể nào đó. Điều này cũng cho thấy khả năng quản lý thời gian, sắp xếp công việc khoa học của bạn.

Nhảy việc có phải là lựa chọn khôn ngoan? - 2

Trên thực tế, nhảy việc cũng đem đến những rủi ro nhất định, chẳng phải “xuôi chèo mát mái” và dễ dàng gì. Vì thế, bạn cần suy xét kỹ lưỡng để đưa ra quyết định khôn ngoan và lựa chọn thông minh. Tùy vào đặc điểm, tính chất từng công việc và tính cách mỗi người để biết được nhảy việc có phải là lựa chọn khôn ngoan? Vì càng làm việc lâu năm, khi trở thành nhân viên kỳ cựu, thì quyền lực và địa vị của bạn ngày càng được củng cố, trong khi đó, bước sang môi trường mới, phải xem xét chế độ đãi ngộ, công việc có gì khác biệt, cơ hội thăng tiến ra sao và bạn phải chuẩn bị tâm lý làm quen mọi thứ lại từ đầu, từ những điều nhỏ nhặt nhất như văn hóa, cách ứng xử với tư cách là “lính mới” dù bạn đã có kha khá kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn. Bên cạnh đó, một người có tính cách hướng nội, khép kín, thích cuộc sống an nhàn thì duy trì công việc hiện tại là điều nên làm, tránh nhảy việc quá nhiều sẽ dẫn đến “xôi hỏng bỏng không”, ngược lại tính cách năng nổ, hoạt bát, ưa thích thử thách thì nhảy việc là cơ hội thể hiện bản thân nhiều hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hương Giang ([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN